Không bị chấn thương va đập, cũng không bị viêm nhiễm hoại tử, 4 chiếc răng cửa của một bé gái bỗng lung lay rồi tự bật ra khỏi hàm dưới. Hiện tượng kỳ lạ đã được các bác sĩ Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM tìm hiểu và xác định do một loại gen của bé bị đột biến.
Câu chuyện kỳ lạ: Bé gái bỗng dưng bị rụng răng không rõ nguyên nhân
TS.BS Nguyễn Thị Mai Phương, Trưởng khoa Răng trẻ em, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM cho biết, bệnh nhi được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng 2 chiếc răng cửa dưới bị rụng khỏi hàm.
Hành trình tìm hiểu nguyên nhân
Theo lời của phụ huynh, trước đó vài ngày, bé nói với bố mẹ, răng mình bị lung lay, nghĩ con bị té ngã va đập nhưng sợ bị mắng nên nói dối, người lớn đã đưa bé đến một cơ sở y tế ở quận 6 cố định lại, tuy nhiên đến ngày hôm sau, hai chiếc răng lại tự trồi ra. Tại một bệnh viện khác, các bác sĩ cũng cố gắng cố định răng cho bé nhưng bất thành.
Trước tình huống kỳ lạ, quá lo lắng nên mẹ bé đưa con đến khoa Cấp cứu tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM để cố định lại bằng nẹp nhưng cũng không thành công. Hai chiếc răng sau đó lại tiếp tục trồi lên nên bệnh nhi được chuyển lên khoa Răng trẻ em.
"Ban đầu chúng tôi ngờ vực về một chấn thương nào đó khiến răng rụng khỏi hàm, thế nhưng qua kiểm tra lại không phát hiện bất cứ dấu hiệu hiện tượng viêm nhiễm nặng hay chấn thương nào cả", TS.BS Nguyễn Thị Mai Phương, Trưởng khoa Răng trẻ em cho biết.
Diễn tiến phức tạp
Dù không tìm được nguyên nhân, song các bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi điều trị, tuy nhiên vài ngày sau, 2 chiếc răng khác bên cạnh vị trí 2 răng đã rụng, cũng bắt đầu lung lay và trồi ra khỏi hàm.
Trước diễn tiến bệnh không thuận lợi, quan ngại những chiếc răng khác cũng rơi tương tự,
Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM đã phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng Thành phố để tiến hành kiểm tra sức khỏe toàn thân cho bệnh nhi. Kết quả các xét nghiệm cho thấy lượng canxi trong cơ thể bé thấp hơn so với lứa tuổi, nhưng đây vẫn chưa phải là điều mà các bác sĩ nghĩ sẽ khiến bé rụng răng.
"Khi đó với sự tham gia của TS.BS Kiều Quốc Thoại, bộ môn Nha khoa trẻ em - khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y dược TP.HCM đang làm việc tại bệnh viện, cùng các thầy cô là chuyên gia giàu kinh nghiệm thuộc khoa Răng Hàm Mặt, ĐH Y dược TP.HCM và các bác sĩ đến từ Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, chúng tôi đã tiến hành hội chẩn toàn bệnh viện để tìm phương án nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức nghi ngờ", bác sĩ Mai Phương chia sẻ.
Trước kết quả còn chưa rõ ràng, quyết không đầu hàng, bác sĩ Phương, bác sĩ Thoại đã thử kiểm tra gen và bất ngờ phát hiện bé mắc hội chứng đột biến gen.
Theo TS.BS Kiều Quốc Thoại, bệnh liên quan đến đột biến một loại gen, sự đột biến loại gen này ảnh hưởng đến việc tổng hợp một loại protein là thành phần chính của mô liên kết. Mô liên kết không phải ở răng mà có ở khớp, ở da.
"Đặc biệt ở bệnh nhi này mô liên kết ở răng thiếu hụt nghiêm trọng khiến răng bật ra khỏi hàm mà không cần đến viêm nhiễm hay chấn thương. Kiểm tra tổng trạng các khớp bàn tay, bàn chân, ngón tay, ngón chân của bệnh nhi, chúng tôi nhận thấy sự liên kết khớp khá lỏng lẻo, tuy nhiên do hiện tại bé không bị đau, vẫn vận động bình thường nên chỉ theo dõi và khi đau thì đến khám tại các bác sĩ cơ xương khớp hoặc vật lý trị liệu.
Kiểm tra bố mẹ, chúng tôi cũng phát hiện bất thường nhiễm sắc thể tương tự", TS.BS Kiều Quốc Thoại chia sẻ.
Hội chẩn toàn viện và phát hiện đột biến gen hiếm gặp
Cũng theo bác sĩ Thoại, đây là bệnh rất hiếm gặp, lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận trường hợp như vậy. Y văn có ghi nhận nhưng số lượng rất ít, chỉ có 178 ca trên toàn thế giới. Điều này dẫn đến việc chưa có hướng dẫn điều trị cụ thể.
Hướng điều trị và kỳ vọng
"Chính vì thế, chúng tôi chỉ có thể lắp những chiếc răng giả bù vào phần răng đã rụng, tiếp tục hướng dẫn bé cách vệ sinh răng miệng đúng, cho bổ sung canxi và hẹn tái khám mỗi tháng một lần. Ngoài ra, những yếu tố dinh dưỡng toàn thân cũng được quan tâm nhằm bổ sung những vi chất mà bé còn thiếu", bác sĩ Thoại nói.